Lê Văn Tương - Người "lao công không lương" ở Thành cổ Quảng Trị

Những sáng mưa phùn, gió bấc, tiếng chổi tre vẫn đều đặn vang lên giữa không gian yên tĩnh của Thành cổ Quảng Trị. Người dân sống quanh khu vực thường gọi người đàn ông đang trần mình trong giá rét, cần mẫn quét dọn kia là anh “lao công tình nguyện”, “người quen làm việc không lương”.

Anh là Lê Văn Tương (sinh năm 1966), trú tại khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị. Hơn 10 năm qua, anh không những tự nguyện làm công việc quét dọn, vệ sinh ở khuôn viên Thành cổ mà còn làm nhiều việc có ích khác cho xã hội.
Anh Tương đang tỉ mẩn lau chùi nơi thờ cúng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị.
Tình nguyện làm lao công

Không kể mưa nắng, ngày ngày vào 5 giờ sáng, anh Tương đều lặng lẽ vào Thành cổ để lau chùi, quét dọn các ban thờ, nhổ chân hương, thay cát… Anh làm việc không lương và cũng chẳng yêu cầu ai phải khen thưởng hay ghi nhận công lao. Vốn là người gốc Hải Lăng, trước khi chuyển lên thị xã Quảng Trị dựng nhà, lập vườn cùng cha, anh Tương đã biết về địa danh Thành cổ qua những mẩu chuyện xúc động, nhất là sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Thế nên, buổi đầu đặt chân đến đây, trái tim anh trào dâng cảm xúc khó tả. Anh biết dưới những thảm cỏ, trong từng tấc đất kia là biết bao xương máu của các chiến sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngồi trong căn nhà nhỏ, rót chén nước mời chúng tôi, đưa ánh mắt dõi theo dòng người hối hả, anh Tương kể lại: “Cách đây chừng 10 năm, một lần ghé Thành cổ Quảng Trị vào sáng tinh mơ, đập vào mắt tôi là hình ảnh người cán bộ bảo vệ tất tả quét dọn khuôn viên rộng lớn. Tôi chợt nghĩ, sáng nào cũng có rất nhiều người vào đây tập thể dục, tại sao mỗi người không góp một tay cho Thành cổ thêm xanh, sạch, đẹp để các chiến sĩ nằm dưới kia ấm lòng? Thế là, ngay hôm sau, tôi tình nguyện làm và trở thành lao công “không lương” ở Thành cổ”. Và cũng từ buổi sáng đó, anh Tương quyết định gắn bó với công việc mà hiếm ai đủ tâm huyết để làm. Hàng ngày, anh đều dành hơn một tiếng đồng hồ để lau dọn, vệ sinh ở khuôn viên Thành cổ; ngay cả những ngày không được khỏe, anh vẫn gắng dậy để làm công việc này. Theo những người dân sống nơi đây, vào những hôm trời giá buốt, anh Tương vẫn giữ thói quen này.


Trước kia, thấy anh Tương luôn tay, luôn chân dọn vệ sinh nơi khuôn viên Thành cổ, một số bà con hỏi: “Người ta làm công ăn lương mới gánh vác việc này. Anh vất vả như thế để làm gì?”. Có người còn bảo, anh rỗi việc đi vác tù và hàng tổng”… Mỗi lần như thế, anh Tương chỉ cười. Theo thời gian, nụ cười ấy rạng rỡ hơn khi ngày có càng nhiều người hiểu công việc tình nghĩa mà anh đang làm và thỉnh thoảng cùng chung tay giúp đỡ.

Quen làm việc không lương 

Nhà anh Tương nằm bên cạnh chợ thị xã Quảng Trị, nơi dễ nảy sinh các vấn đề về an ninh, trật tự. Trong tổ dân phố nơi anh ở, một số thanh niên còn ham chơi, lêu lổng, chưa chí thú làm ăn. Trước kia, nhiều người từng được tín nhiệm làm tổ trưởng an ninh song hầu hết chỉ gánh vác trọng trách một thời gian ngắn, rồi xin nghỉ hẳn vì một phần do áp lực công việc và lại đây là công việc không có phụ cấp. Biết điều đó, nhưng anh Tương vẫn đồng ý khi nghe đồng chí Bí thư chi bộ và Tổ trưởng Khu phố 6 đặt vấn đề, đề nghị anh đảm nhiệm cương vị Tổ trưởng an ninh. Anh chia sẻ: “Trước khi làm Tổ trưởng Tổ an ninh số 6, tôi từng có gần 20 năm làm Đội trưởng Đội Thanh niên xung kích. Bất kể ngày đêm, anh em Đoàn viên chúng tôi phối hợp với lực lượng Công an giữ gìn an ninh, trật tự. Công việc không lương nhưng ai cũng quyết tâm cống hiến. Vì vậy, tôi không ngại khó khi được đề nghị làm Tổ trưởng Tổ an ninh số 6”.

Dẫu vậy, lúc bắt tay vào công việc, anh Tương mới thấm thía hết nỗi vất vả. Ngày ngày, anh Tương đi gõ cửa từng nhà để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Mọi việc nhỏ to trên địa bàn, từ đi thu lệ phí, thông báo cho bà con hội họp đến phối hợp với lực lượng công an giải quyết các vụ việc về an ninh trật tự đều đặt trên vai nên anh Tương luôn bận rộn. Có hôm, vừa về đến nhà sau khi giải quyết xong vụ tranh chấp giữa hai gia đình, anh lại vội vàng đến nhà hộ dân khác để ngăn cản một vụ bạo hành. Và cũng từ lời khuyên bảo, sự hòa giải của anh, có nhiều gia đình đã trở nên êm ấm, hạnh phúc. Gia đình chị Nguyễn Thị Xoài ở Khu phố 1, Phường 2 luôn xem anh Tương là ân nhân của gia đình mình. Cách đây 3 năm, vợ chồng chị mâu thuẫn và anh chị quyết đưa nhau ra tòa để ly hôn. Vốn sống cùng khu phố, anh Tương không quản ngày đêm phối hợp với các tổ chức, đoàn thể đến nhà hòa giải, phân tích giúp gia đình anh chị giải quyết những mâu thuẫn, khúc mắc. Từ những lời phân tích có lý, có tình và với sự kiên trì thuyết phục của anh, một thời gian sau gia đình chị Xoài đã nhận ra những sai sót trong cuộc sống hằng ngày và nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau, qua đó có những điều chỉnh; đến nay cuộc sống đã êm ấm, hòa thuận.

Cũng chính niềm vui từ những mái ấm tưởng chừng như tan vỡ được hàn gắn, hạnh phúc trở lại đã biến thành động lực giúp anh Tương vượt qua những khó khăn của người “vác tù và hàng tổng” và thêm gắn bó với nhiệm vụ. Trước đây, khi chứng kiến một số thanh niên ham chơi, rồi sa chân vào con đường lầm lỗi, anh rất trăn trở. Thấy mọi người quay lưng với những người từng có lỗi lầm trong quá khứ, anh nghĩ: “Tuổi trẻ ai cũng có lần vấp ngã, điều quan trọng là đứng dậy được hay không. Nếu không chìa bàn tay ra giúp đỡ thì làm sao họ sửa chữa được lỗi lầm”. Nghĩ vậy, anh đã vận động những người có uy tín trong tổ, nhỏ to khuyên bảo, hướng cho các thanh niên lầm lỡ, chậm tiến tìm lại con đường sáng. Đến giờ, nhiều thanh niên đã tìm được công việc ổn định, lập gia đình và sống hạnh phúc. Công việc vốn phức tạp thế, nhưng đến nay anh Tương đã có 15 năm gắn bó với chức danh Tổ trưởng an ninh. Trong thời gian đó, anh còn gánh vác nhiệm vụ bảo vệ dân phố, tính ra cũng đã hơn 8 năm ròng. Công việc bất kể thời gian, hiếm ngày nào giống ngày nào khiến anh gầy rộc, da đen sạm nhưng không làm vơi cạn sự nhiệt huyết trong anh. Mỗi khi ai đó hỏi về thu nhập, anh thường hóm hỉnh nói: “Người ta có lương tháng, còn tôi có lương tâm” hoặc “Tôi lấy niềm vui làm… lương”.
Anh Lê Văn Tương giới thiệu bằng khen được Thủ tướng Chính phủ tặng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ của mình, anh Tương lấy làm ái ngại khi chiếc áo đồng phục bảo vệ dân phố ướt đẫm mồ hôi. Anh giải thích mình mới trở về nhà sau khi dọn vệ sinh ở khuôn viên Thành cổ và vừa tạt qua nhà các hộ dân trong tổ để nhắc nhở giữ gìn vệ sinh công cộng. Tay bồng, tay dắt hai đứa con sinh đôi, anh chia sẻ: “Nhiều lúc phải dứt con ra để đi làm việc làng, việc xóm. Cũng thương vợ con và áy náy lắm nhưng chẳng còn cách nào khác”. Theo lời anh Tương, để gắn bó với những công việc “không lương” một thời dài như vậy cũng nhờ có sự ủng hộ của vợ anh. Chị Văn Thị Ngọc Anh, một cô giáo Tiểu học luôn tạo điều kiện và động viên chồng trong tham gia các công việc xã hội. Thế nhưng, theo như lời bà con Khu phố 1, nơi anh Tương cư trú, để gắn bó với công việc này phải là con người giàu tình cảm, bao dung, tâm huyết với xã hội với cộng đồng. Và anh Tương chính là con người như vậy.

Với những việc làm có ích cho xã hội, liên tục nhiều năm liền anh được các cấp khen thưởng, trong đó năm 2014 được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tháng 6 năm 2016, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2014-2015 và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

0 nhận xét

Đăng nhận xét